Hôm nay, Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024
Thứ Ba, 29/09/2015 - 14:46:17
(2297 lượt xem)
5 câu chuyện bạn nên bỏ túi khi đi phỏng vấn

Trong những lần đi phỏng vấn, bạn đã bao giờ rơi vào trường hợp trả lời trơn chu các câu hỏi về chuyên môn nhưng lại lóng ngóng như gà mắc tóc khi nhà tuyển dụng yêu cầu 'kể chuyện'? Nếu câu trả lời là có thì bạn phải đọc bài viết này ngay thôi!

1. Câu chuyện về kinh nghiệm giải quyết vấn đề

 

Trong bất cứ một bản mô tả công việc nào bạn đã từng đọc, cụm từ 'kĩ năng xử lí tình huống' luôn được đặt lên hàng đầu. Ai cũng có thể dễ dàng đặt bút, đánh máy cụm từ đó vào CV cá nhân của mình, phần việc kiểm tra đương nhiên là trách nhiệm của nhà tuyển dụng. Sẽ chẳng ai dư sức kiểm tra trình độ tin học văn phòng hay khả năng viết lách của bạn trong bạn trong buổi phỏng vấn, tuy nhiên với kĩ năng xử lí tình huống bạn sẽ bị loại như chơi nếu không thực sự nghiêm túc và có sự đầu tư kĩ càng.

Điều đầu tiên bạn cần phỏng đoán logic về các tình huống nhà tuyển dụng có khả năng sẽ đưa ra. 'Bạn đã khi nào giải quyết xung đột giữa hai đồng nghiệp hay chưa?', 'Bạn đã từng rơi vào tình cảnh 'đóng thế' cho một đồng nghiệp vừa bị tai nạn trong buổi thuyết trình quan trọng'... Dù cho tình huống nhà tuyển dụng đưa ra có 'khoai' đến đâu, bạn cũng đừng sa đà vào việc kể lể chuyện, miên man theo câu chuyện mà quên đi nhiệm vụ chính mình cần hoàn thành. Các nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những người có khả năng nêu ra vấn đề và giải quyết vấn đề trong giới hạn của bản thân. Cho dù cách xử lí của bạn chưa phải tinh tế và hiệu quả nhất nhưng ít ra điều đó chứng tỏ bạn là người tích cực, luôn hướng tới việc giải quyết mọi khó khăn, thay vì than vãn, kể lể.

 

 

2. Câu chuyện về sai lầm của bản thân

 

Tất cả chúng ta đều từng nghe thấy câu: không một ai trên thế giới này hoàn hảo. Tất cả mọi người đều phạm phải những sai lầm nhất định và nhà tuyển dụng hiểu rằng bạn cũng phải trường hợp ngoại lệ. Mắc sai lầm cũng là một dạng tình huống, và điều quan trọng nhất là cách bạn khắc phục hậu quả hay sửa chữa lỗi mà mình vừa gây ra. 

 

Nguyên nhân bạn mắc lỗi vô cùng đa dạng và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đừng ngây ngô cho rằng bạn có thể chia sẻ mọi lỗi lầm mình từng gây ra và điều đó không liên quan đến kết quả phỏng vấn. Nhà tuyển dụng có thể dễ dàng đồng cảm với những gì bạn chia sẻ nhưng thông qua những gì bạn nói họ hoàn toàn có thể dựa vaò đó để đánh giá bạn. Có lẽ bạn vẫn đủ tỉnh táo để giữ kín việc mình đã trót gửi mail rác kể những điều không hay về sếp với cả công ty phải không?

Thay vì đó, hãy kể câu chuyện về những lỗi nhỏ bạn từng mắc ở nơi làm việc một cách ngắn gọn nhất. Đừng tập trung vào việc bạn sai những gì mà hãy chú trọng nói đến việc bạn đã cố gắng như thế nào để giải quyết mọi việc, và hơn thế nữa là bài học kinh nghiệm bạn rút ra sau lần mắc lỗi đó.

 

 

3. Câu chuyện về một lần làm thủ lĩnh

 

"Khả năng lãnh đạo" là một thuật ngữ thông dụng khác trong mỗi buổi phỏng vấn khác mà bạn không thể làm ngơ. Trong trường hợp bạn đang ứng tuyển vào vị trí quản lí hay điều hành thì những kinh nghiệm về những vị trí này bạn càng phải chuẩn bị kĩ lưỡng hơn.

Kinh nghiệm làm thủ lĩnh có thể là lần bạn từng dẫn dắt một đội sale vượt chỉ tiêu về doanh số bán hàng. Đó cũng hoàn toàn có thể là khi bạn điều phối mọi thứ cho lễ kỉ niệm thành lập công ty, hay chỉ đơn giản là dẫn đầu một ban nhạc nữ của trường tham dự trại hè diễn ra trong vẻn vẹn vài ngày. Câu chuyện của bạn sẽ thuyết phục và thu hút gấp ngàn lần nếu đi kèm với những kết quả khả quan bạn đã đạt được sau đó.

 

 

4. Câu chuyện về kinh nghiệm hoạt động nhóm

 

Để nhấn mạnh vai trò của tinh thần làm việc nhóm, ngạn ngữ phương Tây chỉ ra rằng 'teamwork makes the dream work" (tinh thần đồng đội có thể biến giấc thành hiện thực). Thực tế cũng cho thấy sự đoàn kết của nhiều người trong ý chí và hành động có thể mang lại hiệu quả không ngờ. Bởi vậy, sống trong xã hội hiện đại, ngoài việc nâng cao kĩ năng cá nhân thì tất cả mọi người đều mong muốn hòa nhập và làm việc tốt trong môi trường tập thể. 

Trong buổi phỏng vấn, đương nhiên bạn tự hiểu không nên nhắc tới những lần mình có mâu thuẫn với đồng nghiệp hay hoạt động nhóm chưa thực sự hiệu quả. Hãy thoải mái kể câu chuyện về những dự án bạn từng góp sức, kể cả đó là những dự án phi lợi nhuận. Trong câu chuyện đó, đừng chỉ chú trọng kể về cách mọi người kết nối với nhau mà hãy để nhà tuyển dụng biết bạn hiểu và trân trọng ý nghĩa của việc làm nhóm như thế nào. 

 

5. Câu chuyện về trải nghiệm thú vị của bản thân

Mỗi trải nghiệm lạ kì bạn từng trải qua không đơn giản là kỉ niệm theo bạn suốt cuộc đời mà đôi khi còn là nguồn cảm hứng dồi dào, bất tận cho bạn giữa guồng quay công việc. Bên cạnh đánh giá về chuyên môn, nhà tuyển dụng hẳn sẽ rất ấn tượng với những người có cơ hội được đi đây đó, trải nghiệm nhiều công việc khác nhau. Cho dù bạn đang có cả trăm câu chuyện muốn kể cho người đối diện, lợi thế đó sẽ về zero nếu bạn không biết cách sắp xếp ý cho hợp với mục đích kể và cả thị hiếu của người nghe.

LuanVu/Designs.vn

Xem tốt nhất với IE 7.0+, FireFox, Safari, Google Chrome, Opera (độ phân giải 1024x768+)
Copyright © 2010 by POLYGON Center. Designed by EGS.