Hôm nay, Thứ Bảy ngày 20 tháng 4 năm 2024
Thứ Bảy, 20/05/2017 - 14:40:49
(6998 lượt xem)
Hãy kính trọng nghệ thuật Typography của bạn
Typography đẹp không cần thiết phải dựa vào cặp nạng trang trí mới có thể vươn cao. Và cho dù tất cả các công cụ và kiến thức có sẵn nhan nhản trước mắt chúng ta thì chúng ta vẫn sẵn sàng túm lấy một kiểu chữ typography bay bướm, đầy tính trang trí, với các kỹ xảo rẻ tiền được sử dụng trong một nỗ lực sai lầm là làm cho nó trở nên “đại chúng” (pop). Thứ nghệ thuật cổ xưa này có thể được phổ biến một cách nhanh chóng, nhưng liệu chúng ta có dành cho nó sự tôn trọng mà nó xứng đáng được nhận?

Bạn hãy thử chụp một pô ảnh về nền văn hóa thị giác chung quanh mình mà xem - tạp chí, áp phích phim, bao bì sản phẩm, các trang web - bao nhiêu trong số đó dựa trên typography? Bao nhiêu phần trong số typography quanh bạn thực sự được cân nhắc một cách thấu đáo? Rất có thể là bạn sẽ tìm thấy một số ít các thiết kế mang phong cách typography được tạo tác thủ công thật đẹp cạnh tranh với một dòng tuyết lở ào ạt những tác phẩm “no con mắt”,  dày đặc hình ảnh. Để rồi typography sau đó tuột hạng xuống vai trò của “điều tồi tệ cần thiết” và chỉ nhằm mỗi một mục đích là để hiển thị văn bản hoặc có chăng là những tác phẩm typography thiếu cân nhắc mà ở đó ý nghĩa của MS WordArt đã bị diễn giải một cách quá câu nệ theo nghĩa đen ... Tại sao lại như thế chứ?

Nhìn lại quá khứ


Thật là công bằng khi nói rằng cộng đồng webdesign toàn cầu đang trải qua một thời kỳ phục hưng typography. Những công nghệ mang tính cách mạng như Typekit, Fontdeck, sự ra đời của thẻ tag @font-face, và việc cấp phép trực tuyến cho các kiểu chữ chuyên nghiệp... tất cả đang khích lệ người đam mê chữ trên khắp mạng web vượt qua xiềng xích của các loại font chữ phổ biến. Hơn thế nữa, việc sử dụng thông minh CSS và JavaScript cho phép chúng ta bắt chước một loạt các kỹ thuật sắp chữ (mặc dù phải thừa nhận rằng một số kiểm soát theo kiểu typography cơ bản vẫn còn trẻ con một cách đến là phiền phức).

Nhưng với sức mạnh như vậy thì ắt hẳn sẽ phải nảy sinh trách nhiệm lớn. Và mặc dù các công cụ hiện đại đem lại cho chúng ta cơ hội làm rất nhiều thứ thì việc thực hiện một đống việc như thế này không phải  luôn luôn là một công thức dành riêng cho các thiết kế đẹp. Vấn đề là việc chúng ta có nhiều lựa chọn mở ra cho mình không có nghĩa là chúng ta cần phải sử dụng từng thứ một trong số chúng với hy vọng phát triển một thiết kế nổi bật - và rất có thể là điều này dẫn đến mọi nguyên nhân sai lầm.

Nói như vậy không có nghĩa là  thiết kế theo phong cách typography không được có hơi hướng trang trí, phức tạp hay thậm chí mang tính minh họa. Tuy nhiên, nhiều thế kỷ làm việc với các loại chữ có thể chuyển dịch được đã để lại cho chúng ta các nguyên tắc cơ bản mà dựa trên đó tạo nền tảng cho nghệ thuật typography của chúng ta, và đó cũng chính là nhiệm vụ của chúng ta với tư cách là những nhà thiết kế để hiểu chúng (ít nhất nếu chúng ta đang nhắm tới việc phá vỡ chúng). Một khởi điểm tốt cho việc này sẽ là quan sát những cái mà những người đi trước chúng ta đã thực hiện – thậm chí chỉ với cái nhìn hồi tưởng ngắn nhất vào những trang biên niên sử của typography và lịch sử thiết kế cũng sẽ giúp bạn rất nhiều.

Ta hãy xem xét tác phẩm logo I LOVE NEW YORK “Tôi yêu New York” của Milton Glaser từ năm 1977, được ủy thác như là một phần của chiến dịch tiếp thị của Bộ thương mại tiểu bang New York. Glaser, người đã làm công việc ủng hộ miễn phí, một cách đầy khôn ngoan đã tránh hình ảnh những tòa nhà chọc trời, hình ảnh những người nắm tay nhau, hoặc đồ án trang trí hoa lá bằng cách sử dụng chỉ một hình trái tim đơn giản để đại diện cho từ cốt lõi của nhãn hiệu: đó là từ LOVE. Chúng ta đều biết sự thành công tiếp theo sau đó của biểu tượng này, vì nó đã được vung vẫy trên hàng triệu chiếc áo thun trắng, truyền cảm hứng cho vô số bản sao kể từ khi nó ra đời.


Và nếu biểu tượng trái tim trong tác phẩm của Glaser dường như quá hình ảnh trong ngữ cảnh này, thì tác phẩm điêu khắc “LOVE” của Robert Indiana như thế nào nhỉ? Năm 1964 thoạt đầu nó được tạo tác với mục đích dành riêng cho thiệp Giáng sinh của Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại, tác phẩm chữ mang tính biểu tượng này hoàn toàn tránh xa hình ảnh và chỉ dựa vào sức mạnh của hình chữ (letterforms) [người ta cho rằng nó dựa trên họ font chữ Clarendon] với mục đích đốt cháy lòng trắc ẩn của chúng ta.

Typography - Milton Glaser   

Những ví dụ đáng yêu về những icon mang tích cách typography hiện đại.

 Phiên bản cập nhật tuyệt tác trứ danh của Milton Glaser sau biến cố 9/11
Tất nhiên, sự ngưỡng mộ kiểu này đối với chữ không chỉ bắt đầu với những mẫu quảng cáo của những năm 60. Typography là một nghề thủ công từ hàng nghìn năm nay - với sự ra đời của chữ viết, nếu bạn muốn nghiên cứu sâu xa một chút - và đã tiến hóa cũng như phát triển rất nhiều kể từ thời điểm đó. Những giả thuyết đã được đề xuất và phát triển để làm thế nào truyền thông tốt nhất thông qua hình của chữ, đặc biệt là khi một ý tưởng nào đó cần được truyền đi một cách dễ dàng nhất mà nó có thể. Như Bringhurst đã giải thích trong lúc giới thiệu chương đầu tiên của cuốn sách vượt thời gian của mình “The Elements of Typographic Style”: Typography tồn tại để tôn vinh nội dung.

Bài luận nổi tiếng của Beatrice Warde “The Crystal Goblet” - “Chiếc cốc pha lê” giải thích một cách thật hoàn hảo vai trò của các nghệ sĩ typography và kiểu chữ của anh ta hoặc cô ta, và Beatrice đã củng cố quan điểm này trong một buổi diễn thuyết vào năm 1930 dành cho Hiệp hội nghệ sĩ typography Anh quốc (British Typographers Guild) ở London. Ủng hộ ý tưởng cho rằng chữ hiện hữu ở đó không phải là để cho người ta ngưỡng mộ, hoặc thậm chí nhận thấy rằng nó chỉ tồn tại với mục đích thông tri một ý tưởng nào đó, bà tuyên bố : “Ở nhà tôi có một cuốn sách mà tôi không hề có bất cứ hồi ức hình ảnh về nó cho tới khi typography của cuốn sách này xuất hiện; khi tôi nghĩ về nó, tất cả những gì mường tượng thấy là Ba chàng lính ngự lâm và các bạn cùng chí hướng của họ đi qua đi lại hiên ngang trên các đường phố của Paris” Tôi tự hỏi có bao nhiêu người trong số chúng ta có cùng sự cân nhắc về nội dung khi chúng ta duyệt qua các trang như MyFonts hoặc Typekit để tìm kiếm font chữ hoàn hảo.

Một trong nhiều nhà thiết kế xuất sắc lặp lại phong thái này của Warde chính là Jan Tschichold. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông được tìm thấy trong di sản mà ông đã tạo ra trong suốt quãng thời gian ông làm việc cho Penguin (1947-1949), tinh chỉnh và thiết kế lại các bìa sách cũ và biên soạn cuốn qui tắc dành cho các bìa sách của Penguin để những người sau này tiếp bước ông.

 Typography
Bạn hãy chú ý đến sự vắng bóng các yếu tố trang trí trong loạt bìa sách này của Penguin do Tschichold thể hiện
Khi nhìn vào những bìa sách này ta sẽ thấy sự tập trung một cách rõ ràng vào vấn đề  thông tin truyền thông về nhan đề và tác giả của một cuốn sách, và kết quả thì thực sự tuyệt vời. Những trang bìa này không đẹp nhờ những hình trang trí cụ thể hoặc hình ảnh, hoặc thậm chí những hình dạng riêng biệt của các ký tự mà rõ ràng là chúng đẹp là nhờ vào chính thông điệp của chúng. Chẳng phải là tình cờ mà cho đến tận ngày hôm nay Penguin vẫn gắn bó với sự rõ ràng của (và cố ý tập trung vào) nghệ thuật typography là thứ đã được chứng minh một cách toàn mỹ bằng những thiết kế của David Pearson cho loạt sách  “Great Ideas” - “Những ý tưởng tuyệt vời” từ những năm 2004, 2005 và 2008:
 Typography - Tschichold
 Mặc dù phong cách có thể khác nhau thế nhưng sự tập trung vào kiểu chữ vẫn là hiện thân của tinh thần Tschichold.


Phạm Xuân Bách dịch từ bài Respect Thy Typography của Espen Brunborg trên trang www.smashingmagazine.com




Xem tốt nhất với IE 7.0+, FireFox, Safari, Google Chrome, Opera (độ phân giải 1024x768+)
Copyright © 2010 by POLYGON Center. Designed by EGS.