Hôm nay, Thứ Tư ngày 24 tháng 4 năm 2024
Thứ Ba, 16/11/2010 - 08:06:57
(8545 lượt xem)
Bố cục trong ảnh chân dung.

Chân dung là bộ mặt của nhiếp ảnh. Ảnh chân dung thể hiện đẳng cấp của người cầm máy, có khả năng thể hiện sự tiềm ẩn, chất chứa bên trong mỗi con người và trên hết là một góc nhìn luôn mới cho loại ảnh này. Vì thế, vấn đề bố cục trong ảnh chân dung luôn thu hút sự quan tâm của nhiếp ảnh gia, từ chuyên nghiệp đến không chuyên.

Bố cục ảnh chân dung 
Mọi người ai cũng có thể chụp, mọi lúc mọi nơi. Đưa máy lên là có thể bấm và đôi khi tạo ra những bức ảnh khó ngờ. Nhưng đó là số ít, đối với người không chuyên thì nhiều lúc họ không để ý đến bố cục ảnh, vì mọi thao tác đã có máy ảnh lo, chỉ việc đưa lên bấm là xong.

 Bố cục ảnh chân dung 2

Không bao giờ đặt chủ đề vào giữa bức ảnh, hướng nhìn bên nào thì ta để nhiều hơn

Ảnh chân dung thường có hai thể loại: Chân dung lưu niệm và chân dung nghệ thuật. Chân dung nghệ thuật thường được chụp trong Studio bởi nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, còn chân dung lưu niệm đa số chụp ngoài trời để lưu lại những kỷ niệm của buổi dã ngoại hay những kỳ du lịch nghỉ mát cùng gia đình và người thân.

Chân dung lưu niệm thường chụp nhiều tư thế hơn (Chân dung, bán thân, toàn thân, nhóm người hoặc kết hợp người và cảnh vật), thường chụp với ánh sáng tự nhiên, chỉ một máy du lịch nhỏ bạn cũng có thể tạo nên bức ảnh chân dung đẹp theo một số tỉ lệ vàng của bố cục.

 Bố cục ảnh chân dung 3

 Chủ đề chính nổi bật, và nền phía sau tạo được độ sâu của trường ảnh.

Khi chụp chân dung bạn nên nghiên cứu kỹ khuôn mặt của đối tượng muốn chụp, góc độ nào thì đẹp. Ví dụ khuôn mặt tròn thì góc chụp đẹp nhất phải là nghiêng 1\3, khuôn mặt hình tam giác thì chụp trực diện… Nếu bạn chụp trực diện khuôn mặt tròn thì tóc người mẫu bạn cho phủ xuống hai má để che bớt lại, tạo cho người xem cảm giác khuôn mặt dài ra… Tiếp theo là chọn vị trí chụp, lúc này tầm đặt máy phải ngang tầm mắt người mẫu. Nếu chụp toàn thân thì quan sát nền phía sau xem có hợp với người mẫu không, nên lợi dụng sự tương phản của màu sắc để làm nổi bật chủ đề chính.

Không đặt người mẫu vào giữa tâm bức ảnh, hướng tương lai là hướng nhìn của người mẫu. Khi chụp toàn thân, đối với những người có chiều cao hơi thấp thì ta nên để máy thấp hơn tầm mắt. Nên lợi dụng điểm mạnh, đối với chân dung điểm mạnh nằm ở vị trí mắt.

Chụp một nhóm người cũng vậy, tránh để các đối tượng vào giữa khung hình. Bạn có thể tạo một bố cục theo ý riêng của mình nhưng phải thỏa mãn được các tỉ lệ của bố cục. Đôi khi bạn không tuân theo tỉ lệ vàng trong bố cục nhưng vẫn tạo ra những bức ảnh rất riêng, đặc sắc.

 Bố cục ảnh chân dung 4

 Bố cục khung hình điểm mạnh và vị trí mắt ngay điểm mạnh 

Chân dung đối với ảnh số thông thường để ở chế độ M (Manual), chế độ này cho phép ta điều chỉnh được ánh sáng theo ý muốn. Đồng thời tăng giảm iso nếu điều kiện ánh sáng thay đổi. Khi chụp chân dung kết hợp với phong cảnh biển bạn nên lưu ý thêm đường chân trời, lúc đó đường chân trời phải nằm 1\3 trên hoặc dưới và cho đối tượng vào điểm mạnh.

Đối với máy ảnh số bán chuyên nghiệp tháo rời ống kính khi chụp muốn xóa phông thì nên để khẩu độ hết của ống kính cho phép. Ví dụ độ mở tối đa của ống kính 50mm là 1.8 và muốn rõ từ trước ra sau thì bạn mở ống kính vô cực.

Để có bức ảnh đẹp cần có nhiều yếu tố và yếu tố dẫn đến sự thành công là lòng đam mê, ý tưởng luôn luôn mới và sự chịu khó tìm tòi những cái mới lạ. Chỉ như vậy bạn mới có ý chí cao hơn nữa trong môn nghệ thuật này và bước qua một đẳng cấp khác, đó là con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp.

Tôn Thất Hải

Xem tốt nhất với IE 7.0+, FireFox, Safari, Google Chrome, Opera (độ phân giải 1024x768+)
Copyright © 2010 by POLYGON Center. Designed by EGS.